Kinh tế Hà Nội - nỗ lực năm 2016 và kỳ vọng năm 2017
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội năm 2016 ước tăng 8,2% (dịch vụ tăng 8,3% và công nghiệp, xây dựng tăng 9%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, công nghiệp khai khoáng giảm 53,6%) so cùng kỳ năm trước và năm 2017 sẽ đạt khoảng 8,5 - 9% GDP; thậm chí, có thể cao hơn trên thực tế; trong đó, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đạt tốc độ cao hơn mức tăng GDP, nhất là các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016 đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó, vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý đạt 31.687 tỷ đồng, tăng 45,9% so cùng kỳ do tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2017, dù tốc độ có thể thấp hơn năm 2016.
Năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục là trung tâm hàng hóa bán buôn và bán lẻ lớn thứ hai cả nước (năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 2.131 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so năm 2015). Du lịch sẽ tiếp tục là ngành mũi nhọn của Thủ đô (năm 2016, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 19,9% so năm 2015; khách nội địa đạt 9,24 triệu lượt người, tăng 4,3%; doanh thu khách sạn, lữ hành đạt 55.105 tỷ đồng, tăng 10,6%). Xuất khẩu của Thủ đô sẽ được cải thiện cả về tốc độ và kim ngạch (năm 2016, xuất khẩu đạt 10,613 tỷ USD, tăng 1,3% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 8,143 tỷ USD, tăng 1,5%); trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 14,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 24,4%. Nông sản giảm 9,2%; dệt may giảm 5,2% Xăng dầu giảm 16,2%.
Đặc biệt, Dự án Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) vốn FDI đăng ký 300 triệu USD của Tập đoàn Samsung đã được cấp phép năm 2016 và sẽ triển khai trong thời gian tới là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế Thủ đô. Những dự án như vậy không chỉ cho phép Hà Nội lần đầu tiên kể từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đến nay đã quay trở lại vị trí ba địa phương đứng đầu cả nước về vốn đăng ký mới trong năm 2016; mà còn khẳng định thuyết phục trên thực tế định hướng tái cơ cấu kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng của Thủ đô đang và sẽ chuyển mình phát triển mạnh mẽ hơn kinh tế theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững… Việc hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới – Apple (Mỹ) đã công bố ý định đầu tư dự án quy mô 1 tỷ USD tại Hà Nội để xây dựng trung tâm R&D phục vụ các công đoạn nghiên cứu cho khu vực châu Á là một cơ hội mới cho Thủ đô theo hướng này.
Hà Nội có lợi thế vượt trội so với cả nước không chỉ là vị thế Thủ đô, mà còn có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ và hiện đại, nhiều cơ quan đầu mối và cơ sở giao thông quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia..., lại được T.Ư đặc biệt quan tâm hỗ trợ toàn diện và có Luật Thủ đô, với nhiều không gian chính sách và cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính.
Hà Nội cũng có những điểm bất lợi về giá dịch vụ hạ tầng và giá thuê đất tại các khu công nghiệp của Hà Nội (với mức giá thường cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các địa phương lân cận); sự quá tải về đường giao thông, cấp thoát nước, trong khi công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển. Ngoài ra, với 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ôtô, 10 nghìn xe đạp điện và tốc độ tăng hàng năm về ôtô khoảng 17 %, xe máy 11%, đầu tư cho giao thông hàng năm lớn (xấp xỉ 50% tổng đầu tư), nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đang và sẽ tiếp tục đặt yêu cầu cải thiện hạ tầng giao thông vào thế nước sôi, lửa bỏng…
Hòa nhịp với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ của cả nước, những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể lớn lao về kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn 2016 - 2020 đã, đang và sẽ tiếp tục đòi hỏi phải đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng hướng vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và phát triển kinh tế xanh…
Với tinh thần đó, năm 2017 sẽ là năm chuyển động mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn cả về nhận thức và hành động của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô nhằm kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế Thủ đô cả về lượng và về chất, tăng hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tập trung sâu hơn vào những lợi thế so sánh mà Hà Nội sở hữu, nhất là yếu tố thể chế và con người…; đẩy mạnh xã hội hóa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nước.
Đặc biệt, một định hướng nổi bật của Thủ đô trong năm mới sẽ phải là phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo hấp dẫn thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là từ các tập đoàn trong top 500 TNCs hàng đầu thế giới, sao cho nhiều hơn và có hiệu quả, chất lượng cao hơn và với cơ chế thông thoáng, khuyến khích hơn; Chủ động hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng khu công nghiệp, gắn với việc lấp đầy diện tích bằng dự án FDI được lựa chọn và xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng điểm. Kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên. Đồng thời, kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, vừa có nhà máy sản xuất sản phẩm cuối cùng, vừa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thành phố cần nhiều hơn nữa những đột phá mang tính căn bản về cải cách thể chế, bộ máy và công chức; xây dựng các cấp chính quyền thực sự liêm chính, hành động và thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, từ xúc tiến đầu tư, đến thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hỗ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn; tăng cường gắn kết, hợp tác kinh tế - kỹ thuật các loại hình doanh nghiệp trong và giữa các khu vực FDI, nhất là TNCs, với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, giữa DNNN với doanh nghiệp ngoài nhà nước theo phương thức đa dạng để nâng cao hơn nữa tác động thu hút và lan tỏa các hiệu ứng tích cực của khu vực FDI.
Việc tiếp nối và cập nhật mới các nội dung và chương trình hành động triển khai nghiêm túc những hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, kết nối và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội (như Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo” được phê duyệt tại Quyết định số 3165/QĐ-UBND ngày 17-5-2013 của UBND TP) cũng sẽ là một trọng tâm quan trọng mà Hà Nội cần chú ý trong năm tới…
Bối cảnh mới đòi hỏi những nhận thức và chủ trương mới, đặc biệt luôn cần những cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo và quyết liệt, hiệu quả hơn để phát huy hiệu quả những nguồn lực đang có, tạo thêm những xung lực mới cho tái cấu trúc và phát triển kinh tế Thủ đô nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn, tăng thêm sức Xuân cho Thủ đô, cũng như cho cả nước...!