Sợ bị phân biệt, doanh nghiệp vẫn phải trả phí ngoài để thông quan
Đã có bước chuyển lớn từ ban ơn sang phục vụ
Báo cáo do VCCI, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Tổng cục Hải quan thực hiện dựa trên sự phản hồi của hơn 3.123 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu về bốn lĩnh vực chính, gồm: Tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính hải quan; thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; sự phục vụ của công chức hải quan; và kết quả giải quyết công việc của cơ quan hải quan.
Tại buổi công bố Báo cáo này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, kết quả cải cách thủ tục hành chính cho thấy ngành hải quan đang có bước chuyển lớn từ ban ơn sang phục vụ. Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Đã có một sự thay đổi, chuyển đổi rất lớn từ tư duy Nhà nước quản lý và quản lý là đặc quyền, ban ơn, ban phát … sang tư duy Nhà nước cung cấp dịch vụ công, Nhà nước phục vụ, đồng hành với sự phát triển. Trong đó, muốn cải thiện dịch vụ công, đánh giá chất lượng phục vụ thì điều rất quan trọng là phải biết người đang sự dụng dịch vụ công, thụ hưởng chất lượng phục vụ đánh giá như thế nào, cảm nhận và kỳ vọng ra sao”.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong việc cung cấp thông tin về thủ tục hành chính hải quan. Trong đó, 89% doanh nghiệp hài lòng về phương thức tiếp cận thông tin về thủ tục hải quan qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, cũng có 56% doanh nghiệp cho rằng ngành hải quan vẫn cần nâng cao chất lượng của các hình thức cung cấp thông tin hải quan.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính về hải quan có chuyển biến đáng khen ngợi. Đặc biệt, thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất nhập khẩu hoặc số lần đi lại của doanh nghiệp để hoàn tất hồ sơ miễn thuế, hoàn thuế đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Báo cáo cho thấy, đã có 92% doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan hỗ trợ và 83% doanh nghiệp trong số này đánh giá sự hỗ trợ của hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả.
Vẫn có 28% doanh nghiệp phải trả phí ngoài
Tuy nhiên, kết quả điều tra năm nay cho thấy khoảng 82% doanh nghiệp vẫn kỳ vọng cơ quan hải quan cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng ngành cần nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng, tinh thần và thái độ phục vụ của công chức hải quan. Mặc dù, nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện, song các doanh nghiệp cho rằng, những thủ tục này vẫn còn rất nhiều không gian để cải thiện. Sự phối hợp chưa đồng bộ và hiệu quả giữa cơ quan hải quan và các cơ quan Nhà nước có liên quan cũng được các doanh nghiệp mong muốn có sự cải thiện hơn nữa.
Báo cáo cho biết, vẫn có khoảng 35% doanh nghiệp được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về việc phải trả phí ngoài quy định. Tuy vậy vẫn có 28% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan. Một số doanh nghiệp cho biết họ e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả thêm chi phí ngoài quy định.
Điểm nhấn từ cải cách thể chế
Đánh giá về những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính hải quan, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính, cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng qua đã vượt 302 tỷ USD, lớn hơn 1,6 lần GDP là kết quả cụ thể của nền kinh tế hội nhập. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, kết quả trên có đóng góp quan trọng từ những cải cách về thể chế chính sách trong lĩnh vực hải quan.
Thứ trưởng Anh Tuấn cho biết, tám bộ đã cùng phối hợp để đưa ra các nội dung sửa đổi trong 11 luật liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xuất nhập khẩu và đang được Quốc hội thảo luận để thông qua ngay tại kỳ họp này. Giải thích về tầm quan trọng của việc sửa đổi này, ông Anh Tuấn cho biết, hiện riêng việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa xuất nhập khẩu đang chiếm tới 72% thời gian thông quan và chiếm 38% tổng số lô hàng thông quan. Chính vì vậy việc sửa luật nhằm giảm những tỷ lệ này xuống mức phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Chẳng hạn, Việt Nam sẽ phải phấn đấu đạt tỷ lệ mà 11 thành viên tham gia Hiệp định TPP chấp nhận, hoặc bằng với tỷ lệ số lô hàng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Singapore là 8%.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, ngoài việc áp dụng thông quan điện tử, ngành hải quan sẽ tiếp tục cập nhật những tiến bộ của thế giới để nâng cấp hoạt động quan thông điện tử. Đặc biệt ngày 5-12 tới tại Hải Phòng sẽ đưa vào hoạt động một cửa hải quan mới, cho phép một số loại hàng hóa có xuất phát từ những quốc gia không rủi ro sẽ không phải kiểm tra.