Tiếp thêm khát vọng hoàn lương
Họ là những phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (trực thuộc Tổng cục 8-Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Khi chúng tôi đến, chị Phạm Thị Huệ, 47 tuổi, quê TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang được giáo viên hướng dẫn đọc lại những từ vừa viết cho cả lớp nghe. Ở phía bên dưới, chị Đinh Thị Hòa, 54 tuổi, quê ở Thái Nguyên đang nắn nót viết từng con chữ.
Giờ giải lao, ngồi nói chuyện với chúng tôi, đôi bàn tay chị Hòa đan chặt vào nhau khi kể về cuộc đời đầy buồn, tủi của mình: Lấy chồng hơn 10 năm thì chồng bỏ đi để tìm cuộc sống mới, chị một mình nuôi hai đứa con nhỏ, hằng ngày bươn chải đi hái chè thuê cũng không đủ trang trải cuộc sống. “Túng làm liều, thiếu làm càn”, chị nhận lời vận chuyển ma túy thuê cho các đối tượng vào khu vực Tây Nguyên và bị bắt giữ khi vừa đến tỉnh Kon Tum. Với số lượng ma túy vận chuyển lớn, Đinh Thị Hòa bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Không khác mấy so với chị Hòa, chị Huệ cũng vào trại vì buôn bán ma túy và bị tuyên án với mức tù chung thân. Đây chỉ là hai trong số 20 học viên có tuổi đời từ 19 đến 54 tuổi đang tham gia lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân nữ tại phân trại số 2.
“Lúc mới vào, tôi không ký được tên mình. Nghe cán bộ bảo đi học, tôi chỉ biết cười nghẹn… Lớn tuổi rồi, lại trong hoàn cảnh này học cũng có ích gì nữa đâu!”, chị Hòa cho biết. Còn chị Huệ thì: “ Mình bị phạt án chung thân, chắc hết cuộc đời ở trại chứ có đi đâu mà học với hành…”. Thế nhưng, được sự động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo không chỉ hai chị mà còn nhiều người nữa mạnh dạn tham gia vào lớp xóa mù chữ của phân trại tổ chức.
Sống già nửa đời người, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến khi bắt đầu làm quen với con chữ, niềm vui mới trở lại với phạm nhân Hòa. Chị cho biết: “Mới đầu còn lóng ngóng, nhưng được cán bộ giúp đỡ, cầm tay uốn từng nét chữ rồi về buồng giam mình tự tập viết, nên cũng quen dần…”. Hay tin đứa con gái lấy chồng, trong nỗi buồn vui lẫn lộn, chị mượn giấy bút rồi mày mò viết bức thư gửi con gái. “May mà được đi học, biết viết, người mẹ tội lỗi như tôi mới viết được bức thư tâm sự nỗi niềm của mình để mong con tha thứ và coi đó như là món quà mừng con gái về nhà chồng vậy…”, vẫn giọng rất vui chị nói.
Lớp dạy nghề thêu cho phạm nhân nữ.
Chúng tôi còn được các anh đưa đi thăm “phòng trưng bày tranh” của Phân trại 4 rồi ghé thăm phân xưởng đan lát, thêu rèm của các nữ phạm nhân… Thật bất ngờ và cảm thấy vui khi chứng kiến không khí vui vẻ và hăng say làm việc ở đây. Nếu những bức tranh vẽ dù còn vụng về, màu sắc chưa chuẩn nhưng bên trong gửi gắm những mong ước khát vọng của những người lầm lỡ; là sự tái hiện lại cảnh sống yên bình của quê nhà mình… thì ở xưởng đan lát, thêu rèm là sự nghiêm túc học hỏi của các phạm nhân với mong ước không chỉ kiếm thu nhập ở trại mà lâu dài sẽ là cơ hội giúp họ có thể kiếm sống nếu như cải tạo tốt được cho về tái hòa nhập với cộng đồng.
Thiếu tá Phạm Sỹ Phong, Đội trưởng Đội Giáo dục-Hồ sơ nói như tâm sự: “Khi vào trại, mỗi người một hoàn cảnh, một động cơ phạm tội khác nhau, nhưng điểm chung nhất ở họ là trình độ nhận thức về xã hội rất hạn chế. Nhận thức rõ vấn đề này, Ban Giám thị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nâng cao kiến thức cho phạm nhân, trong đó có việc mở lớp học văn hóa, nhằm trang bị cho phạm nhân những kiến thức cơ bản, giúp họ nhận thức được quyền, nghĩa vụ, nắm và hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó giúp họ thấy rõ tội lỗi của mình cũng như trách nhiệm của bản thân trong lao động, học tập cải tạo để sớm trở lại thành người công dân có ích cho xã hội”.
Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết thêm: Thời gian qua, Trại thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tư vấn, trợ giúp pháp lý, kiến thức pháp luật cho các phạm nhân đang thụ án; phối hợp Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động như: giao lưu “Thắp sáng niềm tin”; hội thi “Tiếng hát tình đời phạm nhân, trại viên”, phong trào “Viết thư xin lỗi” cùng nhiều phong trao văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao khác…. đã có tác dụng tích cực trong việc giúp phạm nhân cải tạo tốt, nhận thức được những tội lỗi của mình gây ra để khi về hòa nhập với cộng đồng không tái phạm.
Ngoài ra, trong thời gian ở trại, phạm nhân được hướng nghiệp, dạy nghề và trang bị kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, sau các lớp học được cấp chứng chỉ nghề để sau khi ra trại có thể tìm được việc làm phù hợp. Riêng đối với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau khi ra trại, chúng tôi còn hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng từ Quỹ tái hòa nhập cộng đồng để họ có thêm điều kiện, cơ hội làm ăn sinh sống lương thiện và chúng tôi hy vọng đó sẽ là động lực tiếp thêm khát vọng hoàn lương cho các phạm nhân.